Tin tức

Cần chính sách đặc thù trong thu hút vốn vào hạ tầng và năng lượng

  • 04.10.2021
  • |
  • 2517 (Lượt xem)

Ông Muôn Văn Chiến, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư FECON (FECON Invest) đã nêu một số kiến nghị nhằm thúc đẩy thu hút vốn ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng, năng lượng.

Ông Muôn Văn Chiến, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư FECON (FECON Invest)

Thưa ông, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) đã chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2021. Ông kỳ vọng thế nào về hiệu quả thu hút vốn ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng, năng lượng sau khi Luật PPP được thi hành?

Luật PPP có hiệu lực từ tháng 1/2021 và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP đã được ban hành ngày 29/3/2021.

Với tư cách là một nhà thầu - nhà đầu tư trong nước đã từng tham gia nhiều dự án đầu tư xây dựng công nghiệp, hạ tầng và trực tiếp đầu tư các dự án theo hình thức BOT, có cơ hội làm việc với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu, chúng tôi đánh giá, Luật PPP ra đời có ý nghĩa rất lớn đối với nhà đầu tư tư nhân, góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế, trong khi trước đây chỉ có Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP.

Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư đã có một luật chơi đầy đủ, bình đẳng, trong đó thể hiện những cam kết của Nhà nước với các nhà đầu tư, cũng như quy định các nguyên tắc mà nhà đầu tư cần tuân thủ để dự án PPP được triển khai một cách ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, qua trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, Luật PPP chưa đủ sức hấp dẫn để huy động được nguồn lực rất lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, cơ chế chia sẻ rủi ro không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực BOT đường cao tốc không có bảo lãnh doanh thu tối thiểu, mà chỉ được chia sẻ 50% khi doanh thu giảm dưới 75% so với phương án tài chính và kèm theo nhiều quy định ràng buộc phức tạp.

Thứ hai, luật chưa có cam kết về biến động tỷ giá và chỉ đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ ở mức 30% doanh thu dự án, do đó sẽ gây khó khăn trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài huy động vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài bằng ngoại tệ.

Do đó, tôi cho rằng, Chính phủ cần ban hành cơ chế chia sẻ rủi ro khả thi, đảm bảo cho nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước cùng nhận được hiệu quả đầu tư hoặc rủi ro tương ứng tỷ lệ tham gia.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế đảm bảo hạn chế rủi ro cho dự án đầu tư khi có những yếu tố liên quan đến chủ quyền như các vấn đề sở hữu đất đai, sử dụng mặt biển, các dự án hạ tầng dùng chung…

Vậy theo ông, với các dự án giao thông, công trình ngầm, chúng ta cần có chính sách cụ thể như thế nào?

Đối với các dự án đường bộ cao tốc, cần hình thành gói tín dụng ưu đãi phù hợp để cung cấp vốn tín dụng trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại đang hạn chế cho vay dự án BOT, hoặc phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ để huy động vốn cho dự án.

Đặc biệt, phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện một số dự án quan trọng, có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, trên cơ sở áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín, năng lực, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với các dự án như đường sắt đô thị, nhà ga, không gian ngầm và thoát nước…, đây là các dự án có công nghệ kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn lực từ vốn ngân sách hoặc ODA sẽ rất khó thực hiện và thời gian kéo dài.

Để khơi thông nguồn lực từ khu vực tư nhân, cần có những cơ chế đặc thù cho các loại hình dự án. Với dự án đường sắt đô thị trọng điểm, cần kết hợp với phát triển các khu đô thị xung quanh (mô hình TOD) thay thế cho hình thức BT trước đây. Coi hạ tầng và đô thị là một dự án không tách rời, từ đó nhà đầu tư tư nhân được quyền đầu tư xây dựng, khai thác các đô thị lân cận. Đảm bảo yếu tố đồng bộ về kiến trúc cảnh quan, chức năng sử dụng đất theo quy hoạch và đặc biệt là đảm bảo hiệu quả chung của dự án.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm quốc tế, tôi cho rằng, cần tạo cơ chế cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phát hành trái phiếu công trình để xây dựng các dự án hạ tầng lớn, sử dụng làm nguồn vốn góp của Nhà nước (Public) cho các dự án đầu tư theo hình thức PPP, hoặc được áp dụng cơ chế Xây dựng - Cho thuê - Chuyển giao (BLT). Thành phố được chủ động thu xếp nguồn vốn thanh toán thông qua các nguồn thu như cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, đấu giá đất, thu vượt ngân sách, tiết kiệm chi…

Thời gian gần đây, FECON được biết đến là một trong những doanh nghiệp đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực năng lượng. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của lĩnh vực này?

Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn về điện gió ngoài khơi, khi hiện thực hóa các tiềm năng này, chúng ta sẽ cùng một lúc đạt được 3 mục tiêu: đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải do nhiệt điện than gây ra với sự tham gia quan trọng của năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, suất đầu tư loại điện gió ngoài khơi còn khá cao so với các loại hình năng lượng khác như nhiệt điện than, điện khí, điện gió và điện mặt trời trên bờ, vì vậy cần có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước theo hình thức đối tác công tư.

Tôi rất kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm ban hành chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi, hoặc trợ giá cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc mua điện từ nguồn điện gió. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chủ trương phát triển chuỗi cung ứng cho mảng dự án chiến lược này để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành đầu tư.

Đây là lĩnh vực rất tiềm năng trong thu hút vốn quốc tế, do đó, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án năng lượng sạch nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng cần được thiết kế phù hợp với yêu cầu của các tổ chức tín dụng quốc tế để đảm bảo khơi thông nguồn vốn.

Ngoài ra, đây là lĩnh vực liên quan đến an ninh chủ quyền biển đảo, do đó Chính phủ cũng có thể cân nhắc áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi để đảm bảo chỉ nhà đầu tư có đủ năng lực mới được tham gia đầu tư.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thi công xây dựng và đầu tư hạ tầng, từ khi thành lập đến nay, FECON đã triển khai thi công nhiều dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; các dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Hóa dầu Long Sơn và trên 10 dự án nhiệt điện trên toàn quốc. Gần đầy nhất, FECON đã tham gia thi công các dự án tàu điện ngầm tại TP.HCM, Hà Nội và gần 10 dự án điện gió trên bờ và gần bờ tại các tỉnh miền Trung và miền Nam bằng công nghệ tiên tiến nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.

Trong lĩnh vực đầu tư dự án, FECON đã và đang đầu tư các dự án BOT giao thông, BOT điện gió, điện mặt trời và đang cùng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nghiên cứu một dự án đường sắt đô thị theo hình thức TOD, tiếp tục nghiên cứu đầu tư 3 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện gió, trong đó có 1 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất trên 1.000 MW.

Theo Báo Đầu Tư

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *